Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

"Áo anh sứt chỉ đường tà " - Một cách biểu đạt tinh tế!



  • Áo anh sứt chỉ đường tà.

    Tình yêu lứa đôi thường được nói đến rất đẹp với những cách diễn đạt rất độc đáo trong Ca dao xưa. “Áo anh sứt chỉ đường tà” là một bài ca dao như thế: 
    Hôm qua tát nước bên đình 
    Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

    Em được thì cho anh xin 
    Hay là em để làm tin trong nhà 
    Áo anh sứt chỉ đường tà 
    Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu 
    Áo anh sứt chỉ đã lâu 
    Muốn mượn cô ấy về khâu cho cùng 
    Khâu rồi anh sẽ trả công 
    Mai mốt lấy chồng anh sẽ giúp cho 
    Giúp cho một thúng xôi vò 
    Một con lợn béo, một vò rượu tăm 
    Giúp cho đôi chiếu em nằm 
    Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo 
    Giúp em quan sáu tiền cheo 
    Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

    Bài ca dao mở đầu bằng một không gian rất trong sáng và cách nói rất tự nhiên: 
    “Hôm qua tát nước bên đình 
    Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. 
    Chàng trai trình bày với cô gái về hoàn cảnh mất áo. Thời gian cụ thể, xác thực: hôm qua, không gian cụ thể, xác thực: bên đình và công việc nữa, cũng cụ thể, xác thực: tát nước. Anh nhớ kĩ như thế mà lại để quên áo. Đấy nhé: anh đi tát nước, bỏ quên cái áo ở nơi này…(là đi tát nước – mất áo, chứ không phải “đi hát mất ô” như Trần Tế Xương đâu nhé!). Ấy, em thấy chưa, anh là người lao động siêng năng, rất đáng yêu. 
    Không gian mà chàng trai trình bày là không gian biểu đạt tình yêu lứa đôi trong ca dao xưa. Đó là cây đa, bến nước, sân đình…nhẹ nhàng, trong sáng, đầy chất thơ. Trong không gian trong sáng, trữ tình ấy, anh bị mất áo. Hãy nghe lời biện giải của chàng trai: 
    “Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. 
    Nơi anh bỏ quên cái áo sao mà đẹp thế: trên cành hoa sen – nghe chừng vừa có lí lại vừa vô lí. Cái có lí là: bên đình thường có ao hồ - để anh tát nước, trong hồ thường có hoa sen – để anh vắt cái áo lên đó. Nhưng cái vô lí, thậm chí thậm vô lí là: anh đi tát nước, thường thì người tát nước đứng ở bờ hồ (nếu tát gầu dai) hoặc đứng ở gần bờ (nếu tát gầu sòng), vậy thì “ngu” gì mà anh phải lội xuống dưới hồ để vắt cái áo lên cành hoa sen. Hơn thế, hoa sen là loại hoa thân mềm, làm sao anh vắt cái áo lên đó được (:). Cũng vì cái vô lí này mà có người đưa ra một dị bản khác: “Bỏ quên cái áo trên cành hoa sim”. Với lí do hoa sim, hoa mua thường hay mọc gần bờ ruộng, cành của nó cứng, có thế mới vắt cái áo lên đó được chứ(!) Thế mới có lí. Nhưng nếu đúng lí như thế thì không có gì để mà nói. Chàng trai bảo anh ta vắt cái áo lên cành hoa sen kia, thế mới đẹp, nó không có lí, nó mới lòi ra cái ý: có vắt cái áo ở đó không (:), có mất cái áo thật không (:) hay chuyện mất áo chỉ là cái cớ để chàng trai mở đầu câu chuyện? Thì ra, có những chuyện nó vô lí trong cái logic của cuộc đời thực nhưng trong tình yêu hết thảy đều có lí! 
    Tìm chiếc áo bỏ quên, chàng trai nói với cô gái: 
    “Em được thì cho anh xin” 
    Nếu chỉ dừng lại ở đây thì lại cũng không có gì để nói. Anh mất thì anh đi tìm, em có được thì cho anh xin, thế thôi, rất bình thường. Nhưng, vấn đề là ở câu tiếp theo: 
    “Hay là em để làm tin trong nhà” 
    Hỏi mà như khẳng định. Một câu hỏi mang tính áp đặt: nghĩa là em được (bắt được) chiếc áo của anh, em đang giữ chiếc áo của anh “để làm tin”. Khi nào thì người ta muốn giữ kỉ vật của nhau? Có phải khi người ta yêu nhau? (Bình thường thì có nhặt được cái áo rách cũng chẳng ai giữ làm gì). Chắc là cô gái phải đỏ mặt, phải luống cuống trước câu hỏi của chàng trai. Thế mới thấy cái khỏe khoắn, hồn nhiên, trong sáng, mạnh bạo trong tình yêu của người lao động. 
    Để xác nhận chuyện mất áo là chuyện thật, chàng trai đã mô tả lại chiếc áo của mình một cách rất cụ thể: “Áo anh sứt chỉ đường tà” – một chỗ rách “rất thơ”. Nó gợi nhớ câu ca dao “Áo rách thì giữ lấy lề”…làm người đọc liên tưởng đến vẻ đẹp tâm hồn của người lao động. Vấn đề quan trọng ở đây là áo anh rách là vì chưa có người vá – “vợ anh chưa có”- một cách trình bày hoàn cảnh rất tự nhiên nhưng cũng rất khéo. Đó cũng là lí do xác đáng để chàng trai bày tỏ nguyện vọng với cô gái: 
    “Muốn mượn cô ấy về khâu cho cùng” 
    Không đơn thuần là nhờ em khâu hộ. Nếu nhờ em khâu hộ em có thể mang về nhà để khâu rồi đưa lại cho anh. Cái anh muốn là “cô ấy” “về” “cùng” cơ. Chắc chắn là cô gái hiểu ý chàng trai. Lời ca nửa như dỗ dành, nửa như hứa hẹn: 
    Khâu rồi anh sẽ trả công 
    Mai mốt lấy chồng anh sẽ giúp cho 
    Giúp cho một thúng xôi vò 
    Một con lợn béo, một vò rượu tăm 
    Giúp cho đôi chiếu em nằm 
    Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo 
    Giúp em quan sáu tiền cheo 
    Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau. 
    Chỉ là một đường khâu nhỏ vì sứt chỉ đường tà mà trả công hậu hỉ đến thế? Món quà trả công nghe như một lễ dẫn cưới, có đủ: xôi vò, lợn béo, rượu tăm, chiếu, chăn, trằm, tiền cheo, tiền cưới, buồng cau. Thử hỏi khi em lấy chồng mà anh mang đến nhà em một cái lễ như thế thì chàng rể của em sẽ nghĩ sao nếu chàng rể đó không phải là chính anh? 
    Thật Bótay.com trước sự tinh tế, tài tình của tác giả dân gian _ người đã trau chuốt, gạn lọc ngôn từ, hình ảnh và cách diễn đạt để tạo ra cái lấp lánh riêng cho bài ca dao tình yêu có một không hai ấy! 

    Đà Nẵng 2010. 
    Phan Thị Vẻ.
  • Gửi Người thời xa vắng.

    Nỗi buồn dẫu có đánh rơi 
    Đừng mong nhặt lại Người ơi... bởi vì... 
    Tuổi xuân qua mãi một thì 
    Vẫn mơ trở lại "Ước gì"... Người ơi!... 

    Đà Nẵng, 15/01/2014. 
    Phan Thị Vẻ.
  • Đọc HƯƠNG HOA SÚNG của Phùng Chí Cường

    Mối tình đầu mong manh 
    Bỗng hóa thành bền chặt 
    Em dẫu về với đất 
    Vẹn nguyên mãi trong anh.
  • Đọc HIỆN VỀ của Đặng Hồng Thiệp

    Là Xuân hiện về trong sắc thắm 
    Là Hạ hiện về trong nắng chơi vơi 
    Là Thu hiện về vàng phơi sắc lá 
    Là Đông hiện về thổn thức khoảng trời âm.
    • 28 Tháng một 2014